Một số bệnh lý tim mạch mà phụ nữ nếu mắc phải thì bạn không nên mang thai

Quan điểm trước đây cho rằng, khi bạn bị bệnh tim thì không nên lấy chồng; nếu có lấy chồng, không nên mang thai; nếu có thai, không nên đẻ; nếu đẻ, không nên cho con bú… quan điểm này hoàn toàn không đúng. Vì đa số các bệnh tim hiện nay có thể được chữa một cách hiệu quả để trả người phụ nữ trở về cuộc sống bình thường. Với nhiều bệnh tim thể nhẹ (chiếm đa số), việc mang thai hầu như không ảnh hưởng nhiều đến người mẹ.

Một số trường hợp bệnh tim không nên mang thai

– Các bệnh tim mạch nói chung gây suy tim nặng mà chưa được chữa tốt hoặc không chữa được.

– Các bệnh tim bẩm sinh có tím chưa được chữa hoặc bệnh tim bẩm sinh đã gây tăng áp lực động mạch phổi nặng.

– Các bệnh van tim (hẹp hoặc hở van nặng) mà chưa được điều trị triệt để (nong van, phẫu thuật…).

– Các bệnh động mạch chủ (phình, giãn…) chưa được sửa chữa.

– Các rối loạn nhịp trầm trọng hoặc tăng huyết áp nặng chưa được khống chế tốt…

Tất cả những bệnh lý tim mạch nói trên khi người phụ nữ mắc phải nhưng chưa được khống chế tốt mà đã mang thai thì sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong cho cả người mẹ và thai nhi. Điều này có thể xẩy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Hơn nữa khi người phụ nữ mắc những bệnh lý tim mạch nặng nề mà mang thai thì việc giữ thai để sinh cũng nguy hiểm mà việc đình chỉ thai nghén cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

Ảnh hưởng của việc mang thai đối với bệnh lý tim mạch

Khi mang thai cơ thể có hiện tượng tăng vọt và sớm về cung lượng tim trong 3 tháng đầu và một sự tăng lên chậm hơn về sau tới mức cực đại là 40% trên mức thường vào giữa thời kỳ có thai. Trong lúc chuyển dạ, cung lượng lại còn tăng lên cao hơn trong lúc có các cơn co tử cung, nhưng lại tụt xuống vào giữa các cơn co. Sau đẻ lại có hiện tượng tăng cung lượng khi máu trở về hệ tuần hoàn từ giường mao mạch ở bánh rau, từ chậu hông, và các chi dưới do hiện tượng chèn ép được giải phóng, vì tử cung đã trống.

Suy tim có thể xuất hiện từ từ trong khi có thai, vì nhu cầu tăng cung lượng tim đi kèm thể tích máu gia tăng. Suy tim cấp dưới hình thái phù phổi cấp có thể xẩy ra sớm trong khi có thai, khi thể tích máu bắt đầu tăng lên hoặcn khi thể tích này tăng lên dưới mức cực đại. Tuy nhiên suy tim cấp thường gặp phổ biến hơn do một sự thay đổi ngẫu nhiên nào đó. Thông thường có một hoàn cảnh nào đó gây ra nhịp tim nha quá mức 110lần/ phút và như vậy làm giảm thời kỳ tâm trương , tình trạng đầy máu thất trái và cung lượng tim. Hiện tượng này đến lượt nó lại dẫn đến tình trạng cản trở dòng máu trong phổi và phù phổi.

Ảnh hưởng của bệnh tim đối với thai nghén:

Người phụ nữ mắc bệnh lý tim mạch khi mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ đẻ non do việc giữ thai trong tử cung sẽ khiến sức khỏe người mẹ suy giảm nghiêm trọng, càng về cuối thai kỳ gánh nặng cho tim càng tăng lên. Chính vì thế có thể gây ra hiện tượng chuyển dạ sinh non hoặc các bác sĩ tiên lượng sức khỏe người mẹ và cần phải đưa ra quyết định phải đưa thai ra sớm hơn so với dự kiến sinh để bảo toàn tính mạng của người mẹ.

Bệnh tim mạch có thể làm thai kém phát triển trong tử cung do thai nhi lấy dinh dưỡng từ máu mẹ, do tim bị tổn thương, chức năng tim bị giảm và phải gắng sức khi mang thai làm cho lưu lượng máu đên thai nhi hạn chế. khiến lượng máu đến và đi kém hơn, việc mang dinh dưỡng và trao đổi chất cho thai nhi cũng bị suy giảm hơn so với những thai phụ khỏe mạnh.

Như vậy, không nhất thiết là những người phụ nữ bệnh tim tuyệt đối không được mang thai, chỉ những trường hợp bị bệnh nặng, hoặc những bệnh lý tim mạch đang tiến triển thì nhất định không được mang thai vì có thể khiến tính mạng của người phụ nữ gặp nguy hiểm. Những người phụ nữ mắc bệnh lý tim mạch nếu muốn mang thai cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hoặc phải điều trị cho đến khi bệnh ổn định.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *